Thủ tục hoàn công nhà xưởng và những vấn đề pháp lí cần biết

Để đưa nhà xưởng mới xây dựng vào hoạt động hợp pháp, chủ doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục hoàn công nhà xưởng theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy trình này thường phức tạp và không phải ai cũng nắm rõ. Vậy nên, trong bài viết này, SUNTECH sẽ cung cấp cái nhìn chi tiết và toàn diện về các bước thủ tục hoàn công, giúp doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu pháp lý một cách nhanh chóng và chính xác.

1. Khái niệm hoàn công nhà xưởng

Hoàn công nhà xưởng là thủ tục hành chính bắt buộc đối với mọi công trình xây dựng nhà xưởng, nhằm xác nhận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền rằng công trình đã được xây dựng hoàn chỉnh, đúng theo thiết kế được phê duyệt và tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, cũng như các quy định pháp luật liên quan.

Quá trình hoàn công bao gồm việc kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục xây dựng, từ kết cấu công trình đến các hệ thống hạ tầng kỹ thuật (PCCC, cấp thoát nước, điện, xử lý môi trường), cùng việc lập hồ sơ hoàn công đầy đủ. Hồ sơ này được gửi đến các cơ quan chức năng làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Hoàn công nhà xưởng
Hoàn công nhà xưởng

Việc hoàn công không chỉ là điều kiện pháp lý để hợp thức hóa hoạt động sản xuất tại nhà xưởng, mà còn giúp doanh nghiệp tránh các rủi ro pháp lý, bảo vệ quyền lợi và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp.

Xem thêm: Cách dự toán xây dựng nhà xưởng hiệu quả và tiết kiệm chi phí

2. Cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hoàn công nhà xưởng

Để thực hiện thủ tục hoàn công nhà xưởng đúng quy định, doanh nghiệp cần căn cứ vào các văn bản pháp lý sau:

  • Luật Xây dựng 2014
  • Luật Xây dựng sửa đổi 2020
  • Nghị định 06/2021/NĐ-CP
  • Nghị định 15/2021/NĐ-CP
  • Thông tư 10/2021/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 06/2021/NĐ-CP
  • Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định phân cấp công trình xây dựng

3. Lợi ích mà hoàn công nhà xưởng mang lại

Việc hoàn thành thủ tục hoàn công nhà xưởng mang ý nghĩ vô cùng quan trọng đối với nhà thầu, chủ đầu tư và các cơ quan quản lý.

Đối với nhà thầu

  • Bằng chứng cho thấy nhà thầu đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư.
  • Điều kiện thanh toán các khoản chi phí còn lại cho nhà thầu.
  • Việc hoàn thành công trình đúng tiến độ, chất lượng sẽ giúp nhà thầu nâng cao uy tín và tạo dựng lòng tin với khách hàng.
  • Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến quá trình hoàn công có thể được nhà thầu sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các dự án tiếp theo.

Đối với chủ đầu tư

  • Bằng chứng pháp lý rõ ràng, khẳng định quyền sở hữu của chủ đầu tư đối với công trình nhà xưởng.
  • Đảm bảo nhà xưởng được xây dựng đúng thiết kế, đạt chất lượng và an toàn như đã cam kết trong hợp đồng.
  • Điều kiện tiên quyết để chủ đầu tư được phép đưa nhà xưởng vào hoạt động.
  • Nhiều ngân hàng yêu cầu giấy chứng nhận hoàn công để làm cơ sở cho việc thẩm định và cấp tín dụng.
  • Nhà xưởng đã hoàn công sẽ có giá trị cao hơn so với nhà xưởng chưa hoàn công, giúp chủ đầu tư dễ dàng thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng.
Hoàn công là hồ sơ khẳng định quyền sở hữu đất của chủ đầu tư
Hoàn công là hồ sơ khẳng định quyền sở hữu đất của chủ đầu tư

Đối với các cơ quan quản lý

  • Nắm bắt tình hình xây dựng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật.
  • Cung cấp cơ sở pháp lý cho công tác kiểm tra, giám sát sử dụng công trình.
  • Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về xây dựng.

4. Trách nhiệm của các bên trong thủ tục hoàn công nhà xưởng

Trong quá trình hoàn công, các bên liên quan có trách nhiệm đảm bảo các thủ tục và yêu cầu pháp lý được thực hiện đầy đủ, chính xác.

  • Chủ đầu tư: Lập hồ sơ hoàn công, tổ chức nghiệm thu, đảm bảo chất lượng công trình và ký kết biên bản nghiệm thu.
  • Đơn vị thi công: Chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, tham gia ký biên bản nghiệm thu và thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
  • Đơn vị tư vấn, giám sát: Kiểm tra và xác nhận bản vẽ hoàn công.
  • Đơn vị thiết kế: Nghiệm thu công trình và cập nhật bản vẽ thực tế nếu có thay đổi so với thiết kế ban đầu.

5. Điều kiện cần thiết để tiến hành hoàn công nhà xưởng

Để thực hiện thủ tục hoàn công nhà xưởng, các hạng mục công trình cần được nghiệm thu đầy đủ trước khi đưa vào sử dụng. Nhà thầu có trách nhiệm hoàn thành thi công, thu dọn hiện trường và lập bản vẽ hoàn công. Các bộ phận bị che khuất phải được nghiệm thu và lập bản vẽ hoàn công trước khi tiếp tục thi công các hạng mục tiếp theo.

Quá trình nghiệm thu bao gồm sự tham gia của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thiết kế. Chỉ khi tất cả các hạng mục được nghiệm thu và xác nhận hoàn thành, công trình mới được phép đưa vào sử dụng.

Nghiệm thu các hạng mục công trình trước hoàn công nhà xưởng.
Nghiệm thu các hạng mục công trình trước hoàn công nhà xưởng.

6. Hồ sơ hoàn công nhà xưởng

Theo Thông tư số 05/2015/TT-BXD, hồ sơ hoàn công nhà xưởng bao gồm hai nhóm chính:

Hồ sơ pháp lý

  • Đơn xin hoàn công
  • Đánh giá tác động môi trường
  • Giấy phép xây dựng và biên bản cấp phép thi công
  • Giấy phép PCCC
  • Thông báo khởi công
  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư của chủ đầu tư
  • Hợp đồng thi công giữa chủ đầu tư và nhà thầu
  • Hồ sơ năng lực nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát, quản lý dự án
  • Quyết định thành lập ban chỉ huy công trường
  • Bằng cấp, chứng chỉ cán bộ thi công

Hồ sơ quản lý chất lượng

  • Bản vẽ hoàn công công trình
  • Nhật ký thi công
  • Chứng chỉ thiết bị, vật tư, vật liệu sử dụng
  • Kết quả thí nghiệm
  • Biên bản nghiệm thu công tác xây dựng
  • Biên bản nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng

Lưu ý: Hồ sơ hoàn công có thể được chuẩn bị trong quá trình thi công công trình. Tuy nhiên, hồ sơ này chỉ có thể hoàn thiện sau khi kết thúc các công việc xây dựng.

7. Thủ tục hoàn công nhà xưởng

Thủ tục hoàn công nhà xưởng gồm 3 bước cơ bản.

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hợp lệ

Chủ đầu tư chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết theo quy định để thực hiện thủ tục hoàn công.

Chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ hoàn công theo quy định.
Chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ hoàn công theo quy định.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

Chủ đầu tư nộp hồ sơ tại Ban quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu công nghệ cao, tùy vào loại công trình.

Bước 3: Kiểm tra, giải quyết và trả kết quả

Cơ quan tiếp nhận sẽ kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ, sẽ thu nhận và hẹn lịch trả kết quả. Nếu thiếu sót, sẽ yêu cầu bổ sung. Sau khi hoàn thiện, chủ đầu tư nộp lại hồ sơ. Sau khi thẩm định và kiểm tra, nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ ký quyết định hoàn công và công trình có thể đi vào hoạt động.

8. Câu hỏi thường gặp

Ai chịu trách nhiệm làm hồ sơ hoàn công cho nhà xưởng?

Chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ hoàn công cho nhà xưởng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhà thầu thi công có thể hỗ trợ hoặc tham gia vào quá trình này, tùy thuộc vào các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Chi phí hoàn công nhà xưởng

  • Lệ phí trước bạ: Đây là khoản phí bắt buộc phải nộp tại cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện hoàn công nhà xưởng.
  • Thuế xây dựng cơ bản: Bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Thuế này có thể được thu từ nhà thầu hoặc trực tiếp từ chủ sở hữu nếu không có hợp đồng với nhà thầu.
  • Chi phí phát sinh khác: Bao gồm phí lập bản vẽ hoàn công và phí thẩm định hiện trạng công trình. Mức chi phí này phụ thuộc vào giá trị hợp đồng và yêu cầu của chủ sở hữu.

Thời gian hoàn thành thủ tục hoàn công nhà xưởng

Thời gian hoàn tất thủ tục hoàn công nhà xưởng có thể kéo dài từ 30 đến 45 ngày, tùy thuộc vào các yếu tố như tính đầy đủ của hồ sơ và yêu cầu tài chính liên quan. Cụ thể:

  • Đo đạc thực trạng công trình: Khoảng 7 ngày.
  • Xem xét tính hợp lệ hồ sơ: Mất từ 3 tuần đến 1 tháng, tùy vào từng địa phương. Nếu hồ sơ không hợp lệ, cơ quan nhà nước sẽ phản hồi trong vòng 15 ngày.
  • Xác định nghĩa vụ tài chính: Cơ quan thuế sẽ thông báo trong khoảng 7-10 ngày.

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin chi tiết về thủ tục hoàn công nhà xưởng. Việc tuân thủ đúng các quy định pháp lý trong quá trình nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ và đảm bảo an toàn công trình không chỉ giúp chủ đầu tư tránh các rủi ro pháp lý mà còn đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài. Hy vọng rằng bạn đã nắm bắt được những kiến thức cần thiết. SUNTECH xin cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian theo dõi.

Xem thêm: Tư vấn, thiết kế và xây dựng nhà xưởng HCM [2024]